“Tạo môi trường giáo dục trong lớp cho trẻ 5 – 6 tuổi
hoạt động góc theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”
Như chúng ta đã biết mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ phát triển toàn diện về các lĩnh vực: Thể chất, tình cảm xã hội, thẩm mỹ, ngôn ngữ, nhận thức. Hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, khơi dậy ở trẻ những chức năng tâm sinh lý, năng lực và phẩm chất, những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp tiếp theo cũng như việc học tập suốt đời.
Tạo môi trường cho trẻ mầm non hoạt động là một việc làm rất quan trọng đối với trẻ, đặc biệt môi trường trong lớp học gắn liền với trẻ hầu hết thời gian khi trẻ tới trường. Môi trường trong lớp học tạo cơ hội cho trẻ có thể tự tham gia và thỏa mãn các nhu cầu chơi, giao lưu nhiều hơn với các bạn trong lớp qua đó nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển tốt hơn.
Tạo môi trường trong lớp học là giúp trẻ phát triển toàn diện về tất cả các lĩnh vực: Thể chất, tình cảm xã hội, thẩm mỹ, nhận thức, ngôn ngữ. Phát huy tính độc lập, tự tìm tòi, sáng tạo của trẻ từ đó trẻ có thể phát triển tốt hơn về các mặt.
Việc tạo môi trường cho trẻ chơi một cách đầy đủ, khoa học sẽ giúp trẻ phát triển tư duy ,sáng tạo, nhanh nhẹn và sự khéo léo. Tạo cơ hội cho mọi trẻ được hoạt động theo hình thức cá nhân, theo nhóm và nhiều hình thức khác nhau. Thể hiện được sự tự tin, mạnh dạn trong mọi hoạt động cũng như trong giao tiếp hằng ngày. Hình thành được các kỹ năng sống như: Kỹ năng ứng xử, học hỏi, sắp xếp ngăn nắp, giúp đỡ chia sẻ,….
Hiểu được những mục tiêu đó Trường mầm non Tiên Thắng đã và đang thực hiện các nội dung cũng như các biện pháp để giúp trẻ phát triển toàn diện theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm” cụ thể:
Sắp xếp bố trí các góc hoạt động phù hợp
Khi thực hiện thiết kế, tạo môi trường trong lớp, trường mầm non Tiên Thắng thực hiện dựa trên các nguyên tắc cơ bản và chú trọng xây dựng các góc theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm. Muốn tổ chức hoạt động “Chơi, hoạt động ở các góc” có hiệu quả, trước tiên phải biết tạo môi trường hấp dẫn, đa dạng, phong phú và biết được cách bố trí góc hợp lý, khoa học, thuận lợi cho trẻ hoạt động, vui chơi. Phải bố trí sắp xếp gần gũi quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của trẻ nhưng cũng đảm bảo tính thẩm mỹ. Đây chính là một yếu tố nhằm thu hút, tạo cho trẻ một cảm giác thích được đến lớp. Là cơ sở để giúp trẻ tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, có hiệu quả, phát huy trí tưởng tượng sáng tạo cho trẻ.
Bố trí các góc hoạt động tùy theo diện tích lớp, điều kiện về đồ dùng đồ chơi và chủ đề phù hợp với số trẻ, nên đảm bảo tối thiểu có các góc. Đối với diện tích lớp học, chia lớp học ra thành 4 góc chơi chính: Góc học tập, góc phân vai, góc nghệ thuật, góc xây dựng – lắp ghép
Ngoài ra còn bố trí góc thiên nhiên phía ngoài của lớp. Góc yên tĩnh sẽ bố trí xa góc ồn ào, từng góc có những đặc thù riêng và có điểm nhấn mạnh, ở các góc bố trí khoảng rộng cách xa nhau hợp lý để đảm bảo an toàn cho trẻ. Tạo ranh giới giữa các góc hoạt động để giúp trẻ nhận dạng được các góc từ đâu tới đâu, ranh giới góc không che tầm nhìn của trẻ và không cản trở việc quan sát, bao quát trẻ của cô.
Tùy thuộc vào từng chủ đề tôi lựa chọn cách trang trí, chuẩn bị đồ dùng đồ chơi khác nhau và nó xuyên suốt cho cả chủ điểm.
Đối với góc học tập: Trên kệ giá tôi sắp xếp sách vở, bút màu, đất nặn các đồ dùng hằng ngày trẻ học gọn gàng, ngăn nắp thuận tiện cho trẻ lấy cất dễ dàng. Các bài tập mở thay đổi theo chủ đề như: Bài tập sàn…. trang trí thêm mảng bài tập số đếm với những hình ảnh trẻ tự lựa chọn và sắp xếp theo đúng số lượng. Ngoài ra còn bố trí mảng bài học tư duy giúp trẻ suy nghĩ khi thực hiện bài tập này. Hai mảng trong góc này thường xuyên thay đổi nội dung chơi phù hợp với chủ đề nhằm phát triển tư duy cho trẻ và thu hút trẻ tham gia chơi một cách hứng thú, tự nguyện.
Trong góc học tập có chỗ đọc sách truyện. Tôi cũng bố trí nhẹ nhàng, đơn giản sắp xếp các quyển sách truyện theo chủ để, các nhân vật câu chuyện có trong kế hoạch giảng dạy của chủ điểm đó.
Đối với góc phân vai: Sắp xếp vừa tầm tay của trẻ, đồ chơi đầy đủ, chắc chắn để trẻ thoải mái hoạt động. Bảng siêu thị của bé gồm gian hàng như: Đồ dùng của bé, gian hàng bánh kẹo, quầy trái cây… Tôi bố trí các mảng đính trên tường dưới dạng mở để trẻ tự khám phá và bán hàng theo ý thích của trẻ.
Ví dụ: Chủ đề “Gia đình” có các đồ chơi trong gia đình. Trẻ đóng cô chú bán hàng, bán các loại đồ dùng phục vụ cho nhu cầu gia đình, các đồ dùng cần thiết trong gia đình. Các trẻ khác sẽ đóng làm người mua hàng mua các thực phẩm cần cho gia đình về để chế biến bữa ăn gia đình,…..
Đối với góc nghệ thuật: Có khoảng trống rộng, chia ra làm hai mảng. Một mảng tôi treo các dụng cụ âm nhạc để phục vụ trẻ trong các hoạt động âm nhạc, một mảng còn lại làm mẫu một số bức tranh làm từ các nguyên liệu khác nhau lạ mắt nhưng gần gũi với trẻ. Vừa trang trí thêm cho góc cũng như không gian trong lớp đẹp hơn vừa làm cảm hứng cho trẻ tạo ra nhiều sản phẩm nữa. Tiếp dưới làm dây để treo sản phẩm trẻ làm ra. Phía dưới cùng của góc để đầy đủ các nguyên liệu cho trẻ thực hành.
Đối với góc xây dựng: Được bố trí khoảng không gian rộng rãi, cố định. Trẻ sẽ sử dụng các nguyên liệu sẵn có để xây dựng theo trí sáng tạo của trẻ. Trẻ sẽ được dùng gạch để lắp ghép thành hàng rào, các ống chỉ to đã được vệ sinh sạch để lắp ghép. Ngoài ra, còn làm thêm một mảng bằng decan đen cháu có thể dùng phấn để vẽ lên đó theo sự sáng tạo của trẻ ứng với từng chủ đề
Ví dụ: Chủ đề “Gia đình” trẻ có thể vẽ hình ảnh gia đình đang cùng nhau đi tắm biển trên mảng tường dán bằng decan đen hay là chủ điểm “Tết và mùa xuân + thế giới thực vật” trẻ sẽ được xây dựng “Vườn rau bác nông dân”. Ở góc này trẻ sẽ tái tạo và phản ánh quá trình hình thành vườn rau xanh của các cô bác nông dân. Từ những viên gạch trẻ sẽ xây hàng rào tạo thành khuôn viên của khu vườn. Trẻ dùng các nút ghép để phân chia tạo luống các loại rau khác nhau. Từ đó trẻ có thể qua góc phân vai cụ thể trò chơi bán hàng để mua các hạt giống hoăc cây rau về để trồng vào các luống và trẻ đã xây. Để sao cho hình thành nên một vườn rau thật là đẹp.
Đối với góc thiên nhiên: Góc chơi này chính là sự thu nhỏ của thiên nhiên bên ngoài được tôi trang trí một góc nhỏ để cho trẻ hoạt động trong giờ “Chơi, hoạt động ở các góc”. Là nơi có khoảng không gian rộng và có ánh sáng để trẻ có thể dễ dàng chơi và cùng khám phá.
Ngoài những góc chính của lớp còn bố trí thêm các góc ở các khoảng trống của phòng học như: Mảng chính chủ điểm phía trên chính giữa của lớp hai bên là Hoa bé ngoan và bé đến lớp - ở nhà; góc sinh nhật của bé, dự báo thời tiết ngày hôm nay
Tất cả những góc này cháu đều được sử dụng dưới dạng mở, trẻ tự thao tác, sử dụng theo sự quan sát, hiểu biết và trí sáng tạo của trẻ.
Sưu tầm, sắp xếp các nguyên vật liệu, học liệu trong các góc chơi một cách khoa học, đa dạng, phong phú:
Học liệu, nguyên vật liệu, đồ dùng, đồ chơi trong góc hoạt động đóng vai trò không nhỏ trong quá trình học và chơi của trẻ. Vì vậy các đồ dùng và học liệu cung cấp cho các góc hoạt động được lên kế hoạch thật cẩn thận, lựa chọn phù hợp, an toàn cho việc học của trẻ và để thu hút trẻ tham gia, cũng như tạo ra các cơ hội học tập khác. Các nguyên liệu khá đa dạng, phong phú từ chất liệu, hình dáng màu sắc đến giá trị sử dụng. Tất cả đều được sắp xếp vào các hộp nhựa sạch sẽ, gọn gàng. Sưu tầm các nguyên vật liệu phong phú, mang tính mở như: lá cây, hột hạt, sỏi, rơm rạ, cúc, cành cây khô, bìa, hộp catton,…Các loại nguyên vật liệu, học liệu này được cất cẩn thận vào trong các hộp nhựa có nắp đậy, đánh tên rõ ràng, cẩn thận và dán lên trên hộp, để gọn gàng trên giá, trẻ có thể tự lấy cất dễ dàng
Góc nghệ thuật ở chủ đề: Thực vật tôi chuẩn bị rất nhiều nguyên vật liệu như: lá khô, len, bông, sỏi, cành cây khô...để cho trẻ tạo thành bức tranh về cây xanh, vườn hoa, quả , cho trẻ chấm màu bông hoa từ các loại rau củ, bông ngoáy tai, dùng sỏi để xếp vườn hoa.
Lựa chọn đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu an toàn, vệ sinh sạch sẽ, phù hợp với thể chất và tâm lí của trẻ mầm non. Các loại đồ dùng đồ chơi khi cho trẻ hoạt động thì đã được lựa chọn và vệ sinh sạch sẽ như: Nắp chai, hộp sữa, hộp dầu,... Để tạo thêm hứng thú cho trẻ thì 1 số loại nguyên vật liệu tôi đã sơn màu cho đẹp như: Sỏi, que đè lưỡi, nắp chai, quả thông, thìa sữa chua.....
Thiết kế các bài tập sàn, các hoạt động mở trong các góc chơi: Để tạo được một môi trường trong lớp tốt và thiết kế được nhiều bài tập sàn đẹp, sáng tạo, phù hợp nhận thức và độ tuổi của trẻ thì ngay từ đầu năm học dưới sự chỉ đạo của chuyên môn nhà trường đã thiết kế được rất nhiều bài tập sáng tạo, hiệu quả đối với trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện các lĩnh vực và tôi cũng chú ý đến đặc điểm tâm lý của trẻ đó là trẻ em ở lứa tuổi này rất hiếu động, rất thích tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh vì vậy đồ dùng đồ chơi màu sắc đẹp mắt thì trẻ lại càng thích hơn.
Các bài tập thiết kế đều được làm bằng các chất liệu có tình bền cao, mang tính mở có thể sử dụng ở nhiều chủ đề, có nhiều cách chơi khác nhau vừa tiết kiệm thời gian, công sức vừa gây hứng thú cho trẻ khi chơi.
Ví dụ: Ở lĩnh vực phát triển nhận thức thiết kế được các bài tập như: Đếm nhanh lượng và gắn số tương ứng, Bé cảm nhận thế nào, bảng bé bận rộn.…
Với các bài tập này đòi hỏi trẻ khi chơi phải tự mình khám phá được cách chơi, sáng tạo ra cách cách chơi khác nhau, chiếm lĩnh được các kiến thức thông qua trò chơi, trẻ được thực sự hoạt động với đồ chơi….
Ở lĩnh vực phát triển tình cảm- kỹ năng xã hội: chuẩn bị nhiều bài tập giúp trẻ phát triển sự khéo léo của đôi bàn tay, nhận biết được các khuôn mặt biểu lộ cảm xúc, nhận ra được những hành động đúng hay chưa đúng thông qua các bài tập như: Bé học các kỹ năng (tết tóc, cúc áo, xâu dây…); Bé cảm thấy như thế nào, trang phục bé yêu
Ứng dụng công nghệ thông tin, các trò chơi mới trong các chương trình giáo dục tiên tiến vào các góc hoạt động:
Việc ứng dụng CNTT ở trong các góc hoạt động sẽ tạo ra những điều mới lạ, kích thích sự tò mò của trẻ, trẻ sẽ hào hứng chủ động hơn trong khi chơi.
Ví dụ: Ở trong góc phân vai, trò chơi nấu ăn: Khi cho trẻ xem các hoạt động “ Bé yêu vào bếp” trên máy vi tính, đặt các câu hỏi cho trẻ như: Các bạn ở trên video đã chế biến những món gì? Chế biến như thế nào? Hôm nay các con sẽ vào bếp và nấu món gì? Con sẽ dùng các nguyên vật liệu gì để nấu? Con sẽ trang trí bàn ăn như thế nào?...
Ở góc nghệ thuật: Cho trẻ xem cách làm một số sản phẩm liên quan đến chủ đề đang học ở trên video, gợi mở cho trẻ để trẻ có thể sáng tạo nhiều sản phẩm khác bằng các nguyên vật liệu mở mà đã chuẩn bị ở trong góc chơi. Ứng dụng Steam cho trẻ khi gợi ý trẻ chơi các trò chơi “Nghệ sĩ tài ba”, “Nhà thiết kế thời trang’’.” Họa sĩ nhí tài năng”. Cho trẻ sử dụng nguyên vật liệu từ bìa, hộp catton và vận dụng các kỹ năng tạo hình đã học như: Cắt, dán, đính họa tiết...để trẻ tự chắp ghép tạo thành những sản phẩm Steam phù hợp với chủ đề... Từ đó, trẻ được thỏa sức sáng tạo, thăng hoa về nghệ thuật theo cách riêng của mình.
Góc học tập – Sách: Tôi thiết kế một số bài tập có ứng dụng Steam như “Chiếc hộp bí mật”, “Ai giỏi hơn nào”, “ Tấm bảng chun kỳ diệu” để trẻ chơi cùng nhau, thảo luận đưa ra ý kiến, thực hiện ý tưởng của mình bằng sản phẩm cụ thể mang tính sáng tạo. Cho trẻ chơi một số trò chơi của các phần mềm Happykis, Kidsmart trên máy vi tính vừa cho trẻ làm quen các thao tác khi sử dụng thiết bị CNTT vừa gây dứng thú cho trẻ vì các trò chơi trong các phần mềm rất hấp dẫn và đòi hỏi tư duy logic của trẻ rất cao.
Khi thực hiện các nội dung đã mang lại kết quả cao cho cô và trẻ như: Giáo viên đã tạo được môi trường hoạt động ở trong lớp đa dạng, phong phú, an toàn, thân thiện. Các góc chơi được bố trí linh hoạt, sáng tạo. Đồ dùng đồ chơi trong lớp phong phú, đa dạng, đẹp, sáng tạo được sắp xếp khoa học, gọn gàng.
Trẻ mạnh dạn, tự tin, tự lập, hứng thú tham gia các hoạt động và thích được đến lớp. Trẻ càng ngày càng nhanh nhẹn, chủ động phát huy tính tích cực sáng tạo của trẻ, phát triển khả năng tư duy. Trẻ biết chơi theo nhóm, cùng nhau thảo luận, đưa ra ý kiến và thực hiện một cách có hiệu quả nội dung đưa ra. Trẻ biết cách sử dụng nguyên vật liệu ở các góc để tạo ra nhiều sản phẩm sáng tạo. Trẻ có thể nói ra ý kiến của mình và cùng nhau thảo luận.
Việc tạo môi trường trong lớp học hiệu quả giúp cho việc chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục của giáo viên đạt nhiều kết quả tốt hơn, phụ huynh quan tâm đến trẻ nhiều hơn góp phần giúp cho nhà trường thực hiện tốt kế hoạch năm học của nhà trường. Tạo sự gắn kết, phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ.