I. Mô tả giải pháp đã biết:
1. Đề tài “Một số biện pháp phát triển vốn từ cho trẻ nhà trẻ 24-36 tháng .
* Ưu điểm:
+ Giáo viên hiểu được tầm quan trọng của việc phát triển vốn từ cho trẻ nhà trẻ.
+ Giáo viên hướng tới việc lấy trẻ làm trung tâm trong các hoạt động phát triển vốn từ cho trẻ nhà trẻ.
- Áp dụng biện pháp này phát triển vốn từ cho trẻ ở mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm. Trẻ phát triển vốn từ một cách tích cực, chủ động.
- Giáo viên dạy trẻ luôn có định hướng sáng tạo, bản thân giáo viên hiểu sâu sắc về đặc điểm tâm lí của từng cá nhân trẻ.
- Được sự quan tâm giúp đỡ của phòng giáo dục và đào tạo huyện Tiên Lãng, của BGH nhà trường đã tạo điệu kiện đầy đủ về cơ sở vật chất cũng như tài liệu phục vụ giảng dạy.
* Hạn chế:
+ Trẻ nhà trẻ là lứa tuổi còn non nớt nên bộ máy phát âm của trẻ chưa hoàn thiện, một số trẻ còn ngọng.
+ Trong lớp một số trẻ chưa đi học nên trẻ còn một số trẻ rụt rè, nhút nhát, chưa mạnh dạn tham gia vào các hoạt động.
+ Phạm vi giao tiếp của trẻ ở độ tuổi này còn hạn chế nên chưa phát triển được khả năng giao tiếp hội thoại cho trẻ.
+ Phụ huynh còn coi nhẹ việc cung cấp vốn từ cho trẻ ở mọi lúc mọi nơi. Chưa nắm bắt hết cơ hội nhằm phát triển vốn từ cho con em mình.
II. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận sáng kiến
II.1. Nội dung giải pháp mà tác giả đề xuất
Trẻ từ 24-36 tháng tuổi đang tập nói trong sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Do đặc điểm phát triển và nhu cầu giao tiếp mà vào giai đoạn này, lời nói của trẻ phát triển với một tốc độ mạnh mẽ nhất. Nhiệm vụ của cô giáo nhà trẻ giá viên mầm non phát triển lời nói cho trẻ bao gồm nhiều mặt. Cần dạy trẻ hiểu lời nói của người lớn không cần sự trợ giúp trực quan, mở rộng vốn từ tích cực dạy trẻ các mẫu câu, phát triển giao tiếp ngôn ngữ của trẻ với người lớn, giữa trẻ với trẻ.
Phát triển sự định hướng vào thế giới xung quanh có ý nghĩa rất to lớn đối với phát triển lời nói. Cần phát triển ở trẻ năng lực quan sát, nhận biết các đồ vật hiện tượng khác nhau, đồng thời cho trẻ làm quen với những hoạt động lao động của người lớn. Kết quả là sẽ phát triển được mặt hiểu ý nghĩa của lời nói, khả năng phát âm các chức năng giao tiếp và khái quát hoá.
Cần đặc biệt quan tâm mở rộng vốn từ cho trẻ. Điều quan trọng ở chỗ làm sao cho trẻ không những nắm vững từ mà còn sử dụng chúng theo ý mình. Nhu cầu sử dụng ngữ điệu vào giao tiếp cần phải được giáo dục. Giáo viên không được phép bỏ qua những từ nói ngọng trong những trường hợp cần phải cho trẻ gọi đúng tên đồ vật… Chính vì vậy giáo viên cần cung cấp một số mẫu câu cho trẻ. Mẫu câu của cô cần đúng ngữ pháp, các mẫu câu đơn hạt nhân, một số câu đơn mở rộng đơn giản với số lượng từ không nhiều…nhằm phát triển vốn từ cho trẻ một cách chính xác hiệu quả.
Xuất phát từ những lý do trên tôi mạnh dạn lựa chon đề tài trên và với mong muốn phát triển vốn từ cho trẻ nhà trẻ 24-36 biện pháp này được thành công tốt đẹp tôi đưa gia một số giải pháp sau : “ Một số biện pháp phát triển vốn từ cho trẻ nhà trẻ độ tuổi 24-36 tháng”.
* Biện pháp1: Giáo viên nắm vững đặc điểm phát triển vốn từ của trẻ nhà trẻ.
Giáo viên cần nắm vững đặc điểm phát triển vốn từ của trẻ. Đây là một biện pháp vô cùng quan trọng vì nếu giáo viên không nắm vững đặc điểm phát triển vốn từ của trẻ thì sẽ không có phương pháp tác động phù hợp tới trẻ. Để phát triển vốn từ cho trẻ, tôi phải dựa trên cơ sở lý luận sau:
Về cơ sở ngôn ngữ:
Đặc điểm phát triển vốn từ của trẻ nhà trẻ:
Ở lứa tuổi này, trẻ có nhu cầu giao tiếp với mọi người, trẻ thích tìm hiểu những điều mới lạ trong cuộc sống xung quanh. Những từ các cháu được sử dụng hầu hết là những từ chỉ tên gọi, những gì gần gũi xung quanh mà hàng ngày trẻ tiếp xúc. Ngoài ra, trẻ cũng nói được một số từ chỉ hành động, chỉ những công việc của bản thân và mọi người xung quanh, chỉ hành động của những con vật mà trẻ biết:
Ví dụ: Máy bay, tàu hoả, con cá, bố, mẹ, ông, bà, anh, chị
Máy bay bay, tàu hoả chạy, con cá bơi, con yêu bố nhiều lắm....
Tôi nhận thấy vốn từ của trẻ tuy phát triển nhưng còn hạn chế, bộ máy phát âm của trẻ đang hoàn thiện dần nên khi trẻ nói trẻ hay nói chậm., hay kéo dài giọng, đôi khi còn ậm ừ, ê, a, không mạch lạc. Để giúp trẻ phát triển vốn từ, tôi thấy người giáo viên cần phải nắm vững đặc điểm vốn từ của trẻ. Mặt khác, cô giáo phải nói chậm, nói to, rõ ràng, mạch lạc, dễ nghe, nói có sự biểu cảm.
Về tâm lý của trẻ:
Tư duy của trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ là tư duy trực quan. Thời kỳ này, khả năng tri giác về các sự vật hiện tượng bắt đầu được hoàn thiện. trẻ hay bắt chước những cử chỉ, và lời nói của người khác. Do vậy ngôn ngữ của cô giáo phải trong sáng và chính xác để trẻ nói theo.
Về cơ sở giáo dục:
Ngôn ngữ của trẻ chỉ được hình thành và phát triển qua giao tiếp với con người và sự vật hiện tượng xung quanh
Để thực hiện điều đó phải thông qua nhiều phương tiện khác nhau như qua các giờ học, các trò chơi, dạo chơi ngoài trời và sinh hoạt hàng ngày. Rèn luyện và phát triển vốn từ cho trẻ, tập cho trẻ biết nghe, hiểu và phát âm chính xác các âm của tiếng mẹ đẻ, hướng dẫn trẻ biết cách diễn đạt ý muốn của mình cho người khác hiểu. Vì vậy khi cho trẻ tiếp xúc với các sự vật hiện tượng thì phải cho trẻ biết gọi tên, đặc điểm của đối tượng. không những thế, giáo viên dạy trẻ biết nói câu đầy đủ, rõ nghĩa, dạy trẻ phát âm đúng các âm chuẩn của tiếng việt, đảm bảo các nguyên tắc của giáo dục học tính khoa học, tính hệ thống, tính vừa sức, tính tiếp thu.
Tất cả những cơ sở đặc điểm để phát triển vốn từ cho trẻ không chỉ làm tăng số lượng vốn từ của trẻ, sự hiểu biết nghĩa của từ, cách dùng từ của trẻ mà còn làm phong phú hiểu biết và xúc cảm của trẻ về sự vật hiện tượng xung quanh.
* Biện pháp 2: Phát triển vốn từ cho trẻ qua các hoạt động trong ngày.
Các hoạt động trong ngày ở lớp của trẻ đều giúp trẻ phát triển được vốn từ thông qua các cuộc trò chuyện giao lưu giữa cô và trẻ giữa trẻ với trẻ. Nhưng tôi thấy có một số hoạt động hướng cho trẻ phát triển phong phú vốn từ như:
Giờ đón trẻ:
Đây là thời điểm cô và trẻ giao lưu với nhau nhiều nhất, chính vì vậy cô phải tích cực trò chuyện cùng trẻ và yêu cầu trẻ trả lời các câu hỏi của cô rõ ràng.
Ví dụ: Cô trò chuyện với trẻ về gia đình của trẻ:
+ Gia đình con có những ai?
+ Trong gia đình ai yêu con nhất?
+ Mẹ yêu con như thế nào?
+ Buổi sáng ai đưa con đến lớp?
+ Bố con đưa đi bằng phương tiện gì?
- Như vậy khi trò chuyện với cô trẻ tự tin vào vốn từ của mình, ngôn ngữ của trẻ nhờ đó mà được mở rộng và phát triển hơn.
- Ngoài ra trong giờ đón trẻ, trả trẻ tôi luôn nhắc trẻ biết chào ông, bà, bố, mẹ như vậy kích thích trẻ trả lời câu trọn vẹn bên cạnh đó giáo dục trẻ có thói quen lễ phép, biết vâng lời.
Trong giờ hoạt động chơi tập có chủ đích
Giáo dục ngôn ngữ cho trẻ thông qua hoạt động góc
Trong một giờ hoạt động chung trẻ không thể phát triển ngôn ngữ một cách toàn diện được mà phải thông qua các hoạt động khác trong đó có hoạt động góc. Đây có thể coi là một hình thức quan trọng nhất, bởi giờ chơi có tác dụng rất lớn trong việc phát triển vốn từ, đặc biệt là tích cực hoá vốn từ cho trẻ. Thời gian chơi của trẻ chiếm nhiều nhất trong thời gian trẻ ở nhà trẻ, là thời gian trẻ được chơi thoải mái nhất. Trong quá trình trẻ chơi sử dụng các loại từ khác nhau, có điều kiện học và sử dụng các từ có nội dung khác nhau.
Ví dụ 1:Trò chơi trong góc “Thao tác vai” trẻ được chơi với em búp bê và khi trẻ chơi sẽ giao tiếp với các bạn bằng ngôn ngữ hàng ngày.
+ Bác đã cho búp bê ăn chưa? (Chưa ạ)
+ Khi ăn bác nhớ đeo yếm để bột không dây ra áo của búp bê nhé! (Vâng ạ)
+ Ngoan nào mẹ cho búp bê ăn nhé!
+ Bột vẫn còn nóng lắm để mẹ thổi cho nguội đã! (Giả vờ thổi cho nguội)
+ Búp bê của mẹ ăn ngoan rồi mẹ cho búp bê đi chơi nhé! (Âu yếm em búp bê)
Qua giờ chơi cô không những dạy trẻ kỹ năng sống mà còn dạy trẻ nghe, hiểu giao tiếp cùng nhau và trao cho nhau những tình cảm yêu thương, gắn bó của con người.
Trong giờ hoạt động chơi tập theo ý thích buổi sáng.
- Trong một giờ hoạt động chung trẻ không thể phát triển vốn từ một cách toàn diện được mà phải thông qua các hoạt động trong đó có hoạt động chơi. Đây có thể coi là một hình thức quan trọng nhất bởi giờ chơi có tác dụng rất lớn trong việc phát triển vốn từ .
Qua các trò chơi, vai chơi trong góc chơi cô có thể kích thích, trò chuyện với trẻ để phát triển vốn từ cho trẻ. Trẻ có thể hiểu được hành động chơi của mình qua các trò chơi.
Ví dụ: Trẻ chơi góc hoạt động với đồ vật (Hình ảnh minh họa phần phụ lục)
Cô hỏi: Con đang chơi trò chơi gì? ( Con xâu vòng ạ).
Con xâu vòng bằng gì? ( Con xâu bằng dây ạ)
Khi xâu xong con nhớ để sản phẩm nhẹ nhàng vào rổ nhé? ( vâng ạ)
Con đang xếp cái gì? (Con xếp nhà ạ.)
Con xếp như thế nào?( Con xếp chồng ạ.)
Tóm lại, trong tất cả các hoạt động trong ngày của trẻ ở trường cô phải tích cực trò chuyện với trẻ, kích thích để trẻ trả lời, nếu trẻ không trả lời được cô phải nhắc nhở, động viên trẻ. Có như vậy, vốn từ của trẻ mới phong phú, trẻ mới hiểu được nghĩa của từ và biết sử dụng từ phù hợp trong các tình huống giao tiếp.
Giáo dục ngôn ngữ thông qua hoạt động ngoài trời
- Hàng ngày đi dạo chơi quanh sân trường tôi thường xuyên đặt câu hỏi để trẻ được gọi tên các đồ chơi quanh sân trường như: Đu quay, cầu trượt, bập bênh…. Ngoài ra tôi còn giới thiệu cho trẻ biết cây xanh, cây hoa ở vườn trường và hỏi trẻ:
+ Cây hoa này có màu gì? (Trẻ trả lời màu đỏ)
+ Thân cây này có to không? (Có ạ)
+ Cây phượng vĩ này rất cao và có lá màu gì? (Màu xanh ạ)
+ Các con có nhìn thấy con gì đang bay đến không? (Có ạ)
+ Con gì vậy? (Con chim)
+ Con chim kêu như thế nào? (Chích chích….)
* Giáo dục:
+ Các con nhớ cây xanh rất tốt cho sức khoẻ của con người các con không được hái hoa, bẻ cành mà phải tưới cây để cây mau lớn nhé! (Vâng ạ)
- Qua những câu hỏi cô đặt ra sẽ giúp trẻ tích luỹ được những vốn từ mới ngoài ra còn giúp trẻ phát triển ngôn ngữ chính xác, mạch lạc, rõ ràng hơn.
- Ở lứa tuổi này trẻ nhiều khi hay hỏi và trả lời trống không hoặc nói những câu không có nghĩa. Vì vậy bản thân tôi luôn chú ý lắng nghe và nhắc nhở trẻ, nói mẫu cho trẻ nghe và yêu cầu trẻ nhắc lại.
* Biện pháp 3:Giáo dục ngôn ngữ thông qua các giờ học khác
1. Thông qua giờ nhận biết tập nói
Đây là môn học quan trọng nhất đối với sự phát triển ngôn ngữ và cung cấp vốn từ vựng cho trẻ.
Trẻ ở lứa tuổi 24 - 36 tháng đang bắt đầu học nói, bộ máy phát âm chưa hoàn chỉnh, vì vậy trẻ thường nói không đủ từ, nói ngọng, nói lắp. Cho nên trong tiết dạy cô phải chuẩn bị đồ dùng trực quan đẹp, hấp dẫn để gây hứng thú cho trẻ. Bên cạnh đó cô phải chuẩn bị một hệ thống câu hỏi rõ ràng ngắn gọn trong khi trẻ trả lời cô hướng dẫn trẻ nói đúng từ, đủ câu không nói cộc lốc.
Ví dụ 1: Trong bài nhận biết “Con cá” cô muốn cung cấp từ “đuôi cá” cho trẻ cô phải chuẩn bị một con cá thật và một con cá giả (được làm bằng bìa) để cho trẻ quan sát. Trẻ sẽ sử dụng các giác quan như: sờ, nhìn...nhằm phát huy tính tích cực của tư duy, rèn khả năng ghi nhớ có chủ đích.
- Để giúp trẻ hứng thú tập trung vào đối tượng quan sát cô cần đưa ra hệ thống câu hỏi: . ( Hình ảnh minh họa phần phụ lục)
+ Đây là con gì? (Con cá ạ)
+ Các con nhìn xem cá muốn bơi được là nhờ cái gì mà đang quẫy quẫy đây? (Cái đuôi ạ)
+ Các con ơi, cá đang nhìn chúng mình đấy thế mắt cá nằm ở đâu nhỉ? (Nằm ở trên đầu con cá)
+ Đố các bạn biết cá sống ở đâu? (Sống ở dưới nước)
+ Trên mình cá có gì mà lấp lánh thế? (Có vảy)
- Trong khi trẻ trả lời cô phải chú ý đến câu trả lời của trẻ. Trẻ phải nói được cả câu theo yêu cầu câu hỏi của cô. Nếu trẻ nói cộc lốc, thiếu từ cô phải sửa ngay cho trẻ.
Thông qua giờ thơ, truyện
Trên tiết học khi cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học là phát triển ngôn ngữ nói cho trẻ và còn hình thành phát triển ở trẻ kỹ năng nói mạch lạc mà muốn làm được như vậy trẻ phải có vốn từ phong phú hay nói cách khác là trẻ cũng được học thêm được các từ mới qua giờ học thơ, truyện.
Để giờ thơ, truyện đạt kết quả cao cũng như hình thành ngôn ngữ cho trẻ thì đồ dùng phục vụ cho tiết học phải đảm bảo: . ( Hình ảnh minh họa phần phụ lục)
+ Đồ dùng phải đẹp, màu sắc phù hợp đảm bảo tính an toàn và vệ sinh cho trẻ.
+ Nếu là tranh vẽ phải đẹp, phù hợp với câu chuyện, phía dưới phải có chữ to giúp cho việc phát triển vốn từ của trẻ được thuận lợi.
+ Bản thân giáo viên phải thuộc truyện, ngôn ngữ của cô phải trong sáng, giọng đọc phải diễn cảm, thể hiện đúng ngữ điệu của các nhân vật.
Ví dụ 1: Trẻ nghe câu chuyện “Đôi bạn nhỏ”. Tôi cung cấp vốn từ cho trẻ đó là từ “Bới đất”. Cô có thể cho trẻ xem tranh mô hình một chú gà đang lấy chân để bới đất tìm giun và giải thích cho trẻ hiểu từ “Bới đất”.
(Các con ạ, bản năng của những chú gà là mỗi khi đi kiếm ăn các chú phải lấy chân để bới đất, đào đất lên để tìm thức ăn cho mình, khi kiếm được thức ăn chú gà sẽ lấy mỏ để ăn đấy). Sau khi giải thích tôi cũng chuẩn bị một hệ thống câu hỏi giúp trẻ nhớ được nội dung truyện và từ vừa học:
+ Hai bạn Gà và Vịt trong truyện cô kể rủ nhau đi đâu? (Đi kiếm ăn ạ)
+ Vịt kiếm ăn ở đâu? (Dưới ao)
+ Thế còn bạn Gà kiếm ăn ở đâu? (Trên bãi cỏ)
+ Bạn Gà kiếm ăn như thế nào? (Bới đất tìm giun)
+ Khi hai bạn đang kiếm ăn thì con gì xuất hiện đuổi bắt Gà con? (Con Cáo)
+ Vịt con đã cứu Gà con như thế nào? (Gà nhảy phốc lên lưng Vịt, Vịt bơi ra xa).
+ Qua câu chuyện con thấy tình bạn của hai bạn Gà và Vịt ra sao? (Thương yêu nhau)
+ Nếu như bạn gặp khó khăn thì các con phải làm gì? (Giúp đỡ bạn ạ).
- Cô kể 1-2 lần cho trẻ nghe giúp trẻ hiểu thêm về tác phẩm và qua đó lấy nhân vật để giáo dục trẻ phải biết yêu thương và giúp đỡ bạn trong lúc gặp khó khăn. ( Hình ảnh minh họa phần phụ lục)
3. Thông qua giờ âm nhạc
- Để thu hút trẻ vào giờ học và giúp trẻ phát triển ngôn ngữ được tốt hơn thôi thúc tôi phải nghiên cứu, sáng tạo những phương pháp dạy học tốt nhất có hiệu quả với trẻ.
- Đối với tiết học âm nhạc trẻ được tiếp xúc nhiều đồ vật (Trống, lắc, phách tre, mõ, xắc xô… và nhiều chất liệu khác) trẻ được học những giai điệu vui tươi kết hợp với các loại vận động theo bài hát một cách nhịp nhàng. Để làm được như vậy đó là nhờ sự hiểu biết, nhận thức vốn từ, kỹ năng nhất là sự giao tiếp bằng ngôn ngữ của trẻ được tích luỹ và lĩnh hội, phát triển tính nghệ thuật, giúp trẻ yêu âm nhạc.
- Qua những giờ học hát, vận động theo nhạc, trẻ đã biết sử dụng ngôn ngữ có mục đích, biết dùng ngôn ngữ và động tác cơ bản để miêu tả những hình ảnh đẹp của bài hát.
Ví dụ: Hát và vận động bài “Con voi”
+ Câu đầu tiên: Con vỏi con voi
Cái vòi đi trước.
(Trẻ đưa tay ra phía trước giả làm vòi con voi)
+ Câu thứ hai: Hai chân trước đi trước
Hai chân sau đi sau.
(Hai tay chống hông, hai chân nhấc lên nhấc xuống)
+ Câu cuối: Còn cái đuôi đi sau rốt
Tôi xin kể nốt
Câu chuyện con voi.
(Một tay chống hông, một tay đưa ra đằng sau vờ làm đuôi con voi)
4. Thông qua giờ vận động
- Trong góc vận động của lớp tôi đã sử dụng những thùng bìa để làm thành tàu hoả cho trẻ chơi. Mỗi thùng làm thành một toa tàu. Trong khi chơi trẻ có thể vừa chơi vừa kết hợp âm nhạc hát: “Đoàn tàu tí hon”, “Tàu vào ga”...vận dụng vào phát triển ngôn ngữ cho trẻ.
- Tôi còn phân loại màu xanh, đỏ, vàng của những chiếc vòng để khi trẻ phân biệt màu không bị nhầm lẫn. Khi trẻ chơi với vòng tôi có thể hỏi trẻ giúp ngôn ngữ của trẻ thêm mạch lạc, rõ ràng hơn:
+ Vòng này có màu gì hả con? (Màu đỏ ạ)
+ Thế còn vòng này có màu gì đây? (Màu xanh ạ)
+ Vòng để làm gì con có biết không? (để học, để chơi trò chơi ạ)
+ Con sẽ chơi gì với vòng? (Con lái ô tô ạ)
5. Một số trò chơi phát triển ngôn ngữ cho trẻ
- Đối với trẻ nhà trẻ, được phát triển ngôn ngữ thông qua trò chơi là một biện pháp tốt nhất. Trò chơi đã trở thành phương tiện để cung cấp, tích luỹ được nhiều vốn từ và trên cơ sở hiểu biết đầy đủ ý nghĩa của những từ đó trẻ biết sử dụng “số vốn từ” đó một cách thành thạo.
- Qua trò chơi trẻ sẽ được giao tiếp mạnh dạn hơn, ngôn ngữ cũng lưu loát hơn, vốn từ của trẻ cũng được tăng lên. Và tôi nhận thấy rằng khi trẻ chơi trò chơi xong sẽ gây sự hứng thú lôi cuốn trẻ vào bài học. Như vậy trẻ sẽ tiếp thu bài một cách nhẹ nhàng và thoải mái.
- Bản thân tôi đã tìm tòi, tham khảo, đọc những tài liệu sách và tôi thấy rằng trò chơi này thực sự có hiệu quả làm tăng thêm vốn từ cho trẻ, từ đó ngôn ngữ của trẻ ngày càng phong phú.
* Trò chơi 1: “Con muỗi”
* Cách chơi:
- Cô đứng phía trước trẻ, cô cho trẻ đọc và làm động tác theo cô.
- Cô cho trẻ đọc từng lời một có kèm theo động tác:
+ Có con muỗi vo ve, vo ve (Trẻ giơ ngón tay trỏ ra trước mặt vẫy qua vẫy lại theo nhịp đọc)
+ Đốt cái tay, đốt cái chân, rồi bay đi xa. (Lấy ngón tay trỏ vào cánh tay đối diện , chỉ xuống đùi rồi dang 2 tay sang ngang).
+ Úi chà! Úi chà! Dang tay ra đánh cái bép, con muỗi xẹp. Rửa tay. (Nhún vai 2 lần, dang 2 tay sang ngang, vỗ tay một cái rồi chỉ vào chóp mũi. Sau đó xoa 2 tay vào nhau vờ rửa tay)
- Tuỳ theo sự hứng thú của trẻ mà cho trẻ chơi 3 - 4 lần. Khi trẻ chơi tôi nhận thấy tất cả các trẻ đều tham gia đọc cùng cô, có trẻ đọc được cả câu, có trẻ bập bẹ bớt một hai từ. Nhưng qua đó cũng giúp ngôn ngữ của trẻ dần dần được hình thành trọn vẹn hơn.
* Biện pháp 4: Quan tâm đến cá nhân trẻ để phát triển vốn từ cho trẻ.
Lấy trẻ làm trung tâm chính là phương pháp tác động giáo dục dựa trên nhu cầu, hứng thú, khả năng và thế mạnh của trẻ. Tạo nhiều cơ hội cho trẻ học bằng nhiều cách khác nhau bao gồm cả hoạt động vui chơi. Vui chơi cung cấp cho trẻ nhiều cơ hội để cho trẻ học tập như: Khám phá, sáng tạo, giả vờ, tưởng tượng và tương tác với bạn bè. Phản ánh được mức độ phát triển của từng cá nhân trẻ và xây dựng dựa trên những gì trẻ đã biết và có thể làm. Ở trường nơi tôi công tác tôi nhận thấy giáo viên hầu như dạy trẻ theo kiểu áp đặt (áp đặt cả về hình thức lẫn lời nói). Chính vì điều đó mà không phát huy được tính tích cực của trẻ, kết quả đem lại không như mong muốn. Từ đó tôi nhận thấy rằng cần phải đưa trẻ vào trung tâm của hoạt động, quan tâm đến từng cá nhân trẻ, giáo viên chỉ là người hướng dẫn trẻ. Những câu hỏi đặt ra ở dạng mở và phát huy được trí tuệ và tính tích tích cực của trẻ, chánh những câu hỏi để trẻ trả lời vuốt đuôi. Những ngôn từ hướng dẫn của cô chỉ là sự gợi mở mọi vấn đề trẻ phải được quan sát, nhận xét và đánh giá. Giáo viên chỉ là người khái quát cuối cùng những kiến thức cần truyền thụ cho trẻ.
Đối với những trẻ có vốn từ tốt tôi luôn mở rộng cung cấp thêm vốn từ cho trẻ, dạy trẻ nói từ khó, những câu dài dạy trẻ nói lên những hiểu biết, mong muốn của mình. Đối với những trẻ còn nhút nhát, ít nói, vốn từ chưa phát triển tôi quan tâm gần gũi trò chuyện với trẻ dạy trẻ nói từng từ, từng câu ngắn. Dạy trẻ từ những từ đơn dễ phát âm khi trẻ đã nói đưuọc những từ đơn cô dạy trẻ nói những từ ghép, những câu ngắn.
Ví dụ: Trong chủ đề: Đồ chơi của bé
Giờ nhận biết tập nói: Búp bê. ( Hình ảnh minh họa phần phụ lục)
Tôi cho mỗi trẻ một em búp bê, sau đó cho trẻ tự nhìn, ngắm, sờ, gọi tên và nhận xét về đặc điểm của búp bê, cô gợi ý để trẻ nói thoải mái những gì trẻ biết. Cô uốn nắn rèn ngôn ngữ, phát triển vốn từ cho trẻ trong quá trình trẻ nói.
Các con nhìn xem ai đây? ( Búp bê ạ)
Em búp bê mặc váy màu gì? ( Màu đỏ ạ)
Tóc em búp bê như thế nào? ( Tóc dài, mượt ạ)
Với những trẻ vố từ phong phú cô có thể hướng trẻ trả lời câu dài: Em búp bê mặc váy màu đỏ ạ, tóc em búp bê dài.
Tóm lại: Khi áp dụng biện pháp quan tâm đến cá nhân trẻ để phát triển vốn từ cho trẻ tôi thấy vốn từ của trẻ đã phong phú hơn rất nhiều. Tạo điều kiện quan tâm đến những trẻ nhút nhát, giành thời gian gần gũi , trò chuyện với trẻ để trẻ mạnh dạn, tự tin tham gia các hoạt động. Những trẻ nhút nhát, ít nói vốn từ chưa phát triển từ khi thực hiện biện pháp thì trẻ đã mạnh dạn tự tin khi giao tiếp, vốn từ cũng phát triển hơn. Đối với những trẻ có vốn từ tốt trẻ đã nói được những câu dài các cháu nói năng mạch lạc, rõ ràng, biết cách diễn đạt ý muốn của mình, mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp.
II.2. Tính mới, tính sáng tạo
1. Tính mới.
Giải pháp của tôi mới tôi đưa gia có nhiều cái mới so với trước kia như:
Hình thức : Trước đây khi dạy trẻ phát triển ngôn ngữ cho trẻ tập nói cho trẻ tôi chỉ thực hiện hoạt động hướng dẫn trẻ trên giờ học,hoặc giờ chơi. Với các nội dung phát triển ngôn ngữ trước đây chỉ sử dụng các câu chuyện nội dung chưa giàu hình ảnh, thể hiện rõ tính cách nhân vật, những câu chuyện đơn điệu về hình thức luôn đi theo một mô tuýp cũ thì hầu hết trẻ không mấy hứng thú và không gây sự tập trung chú ý của trẻ, trẻ phụ thuộc vào cô hoàn toàn, trẻ làm theo sự hướng dẫn của cô. Bây giờ tôi còn tổ chức qua các hoạt động lễ hội, địa diểm tổ chức không còn thu hẹp ở phạm vi lớp học nữa mà được mở rộng ra nhiều nơi. Nội dung hình thức các vở kịch được chuyển thể linh hoạt, phong phú và ngôn từ được chắt lọc vì vậy trẻ dễ nhớ, dễ hiểu. Chính vì thế trẻ có khả năng sử dụng từ ngữ linh hoạt, vốn từ phong phú hơn, mạnh dạn tự tin khi giao tiếp. Trò chơi đóng kịch tác động rất sâu sắc vào tâm lí trẻ một cách tự nhiên chứ không phải một cách truyền đạt cổ điển, áp đặt, giúp trẻ phát triển vốn từ, phát triển toàn diện nhân cách.
+ Nội dung: Tôi luôn tìm tòi, nghiên cứu sắp xếp nội dung sở thích của trẻ. Đồng thời cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoặc chơi các trò chơi phát triển ngôn ngữ như trò chơi: con muỗi …để trẻ mạnh dạn thể hiện kỹ năng, phát huy khả năng ngôn ngữ của mình
+ Địa điểm tổ chức: Thông thường chúng ta chỉ dạy trẻ ở trên lớp. Nhưng khi áp dụng giải pháp tôi đã linh hoạt khi sử dụng những địa điểm phù hợp để kích thích trẻ tham gia ở môi trường ngoài lớp học như: Tôi tổ chức cho trẻ đóng kịch ở sân khấu, vườn cổ tích hay giao lưu giữa các nhóm lớp khi thực hiện hoạt động ngày hội ngày lễ chung của trường, qua các buổi trải nghiệm thực tế
+ Đối tượng: Tôi tổ chức cho 100% trẻ tại lớp được tham gia đầy đủ các hoạt động, tận dụng các ngày hội ngày lễ để mời phụ huynh tham gia thảo luận, tham khảo, xây dựng ý kiến của phụ huynh để kết hợp phát triển ngôn ngữ cho trẻ mọi lúc mọi nơi.
ở điểm là chưa ai tìm tòi nghiên cứu và áp dụng trình tự các biện pháp như trên. Qua các biện pháp phát trển vốn từ cho trẻ với nhiều hình thức khác nhau, trẻ sẽ tiếp thu và sẽ học được số lượng vốn từ thông qua các hoạt động mà cô cung cấp vốn từ cho trẻ. Khi giao tiếp trẻ sẽ nói năng nhẹ nhàng mạch lạc, số lượng vốn từ phong phú, trẻ có thể nói được câu dài và thể hiện được mong muốn hiểu biết của mình với người khác.
2. Tính sáng tạo.
+ Về dạy và rèn kỹ năng: Hình thức tổ chức các hoạt động giúp phát triển vốn từ cho trẻ phong phú đa dạng ở mọi lúc mọi nơi, mọi thời điểm trong ngày. Lựa chọn và sắp xếp nội dung, tích hợp các hình thức phù hợp theo chủ đề. Chuẩn bị địa điểm, đồ dùng, đồ chơi để cho trẻ chơi. Củng cố vốn từ cho trẻ ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoạt động. Tích cực hóa vốn từ của trẻ. Qua đó sẽ giúp vốn từ của trẻ phát triển.
+ Về công tác tuyên truyền: Tôi tuyên truyền tới phụ huynh với nhiều cách thức sáng tạo như: Lập nhóm trao đổi thông tin của lớp, kết hợp cùng phụ huynh dạy trẻ kể chuyện ở nhà, gửi những bài đóng kịch về cho bố mẹ chơi cùng trẻ. Vì vậy phụ huynh đã chủ động tìm hiểu, trực tiếp trao đổi, phối kết hợp cùng giáo viên phát triển ngôn ngữ cho trẻ mọi lúc mọi nơi.
+ Về xây dựng kế hoạch, công tác chuẩn bị và tổ chức các hoạt động giáo dục: Tôi đã xây dựng kế hoạch hoạt động dựa vào mục tiêu chương trình giáo dục mầm non. Tổ chức dạy và rèn kỹ năng cho trẻ lồng ghép vào các thời điểm trong ngày, các ngày lễ hội của năm. Với những việc làm cụ thể, nội dung thiết thực mang tính hợp tác cao đã được trẻ nhiệt tình tham gia .Trong quá trình nghiên cứu và thực hiện tôi thấy ngôn ngữ của trẻ đạt hiệu quả rõ rệt nhờ những giải pháp mới, sáng tạo, phù hợp.
II. 3. Khả năng áp dụng, nhân rộng:
- Sáng kiến đã được áp dụng cho trẻ nhà trẻ 24-36 tháng tuổi tại lớp NTA3. Nhờ những sáng kiến, những biện pháp trên đây, từ khi triển khai đề tài trên diện rộng ở lớp, ở trường cũng như trong các hoạt động chuyên đề trong cụm, huyện, tôi đã gặt hái được những kết quả tốt đẹp.Trải qua một quá trình thực hiện bền bỉ, liên tục, trẻ ở lớp tôi đã có những chuyển biến rõ rệt, phần lớn số trẻ trong lớp đã có một số vốn từ rất khá. Các cháu nói năng mạch lạc, rõ ràng, biết cách diễn đạt ý muốn của mình, mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, vốn từ của trẻ đã phong phú hơn rất nhiều.
II.4. Hiệu quả, lợi ích thu được do áp dụng giải pháp
1. Hiệu quả kinh tế:
Vận dụng sáng kiến này vào thực tế giảng dạy sẽ mang lại hiệu quả cao nhất, mức chi phí thấp. Đồ dùng đồ chơi mà tôi tự tạo để áp dụng cho các giải pháp nhằm phát triển vốn từ cho trẻ là những phế liệu phế thải tôi đã tận dụng được, ít phải mua, rất dễ kiếm, dễ tìm, dễ làm mà mang lại hiệu quả rất cao.
2. Hiệu quả về mặt xã hội:
Việc phát triển ngôn ngữ- vốn từ cho trẻ nhà trẻ 24-36 tháng là một việc làm cần thiết, là một nhiệm vụ quan trọng đối với tất cả giáo viên mầm non. Qua các giải pháp trên mà tôi đã áp dụng vào thực tế lớp mình, tôi thấy vốn từ của trẻ ngày càng phong phú, trẻ nói rõ ràng mạch lạc…Góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện và giúp trẻ dễ dàng tham gia vào mọi hoạt động của cuộc sống xã hội.
* Đối với giáo viên:
- Giáo viên hiểu được tầm quan trọng của việc ngôn ngữ cho trẻ phát triển vốn từ cho trẻ sẽ giúp trẻ trau dồi dồi vốn từ một cách phong phú đa dạng - Giáo viên có kiến thức, nắm chắc nội dung chương trình của độ tuổi.
- Giáo viên biết phối hợp với phụ huynh trong việc tuyên truyền, phối hợp với phụ huynh cùng sưu tầm nguyên liệu làm trang phục, đóng kịch cùng con khi ở nhà.
* Đối với trẻ:
- Trẻ như vừa là chơi vừa là hoạt, vì thế nó giúp trẻ thực sự thấy thoải mái không gò bó trong khi chơi nhưng lại kích thích bản thân trẻ cố gắng hơn để hoàn thiện vai chơi của mình, mang lại niềm vui cho mọi người hình thành tính trách nhiệm ở trẻ.
- Cung cấp cho trẻ những ngôn ngữ dân gian phong phú, đa dạng, lôi cuốn hấp dẫn trẻ. Từ đó trẻ cảm thụ lĩnh hội được sự giàu có của ngôn từ hiểu được ngôn ngữ không chỉ để giao tiếp mà còn là phương tiện để thể hiện mọi vấn đề, mọi suy nghĩ của con người.
* Đối với phụ huynh:
- Phụ huynh có ý thức hơn về cách giáo dục con em mình, biết phối hợp với giáo viên giúp con em mình phát triển về ngôn ngữ trẻ đang tập nói nhiều .
3. Giá trị làm lợi khác
Sau những biện pháp mà tôi đưa ra và đã thực hiện tôi thấy chất lượng phát triển vón từ của trẻ tăng lên rõ rệt.
Trước khi đưa ra sáng kiến này thì tôi thấy vốn từ của trẻ chưa phong phú (nhiều trẻ chưa biết nói, ít nói, nhút nhát, vốn từ chưa phát triển.), nhưng từ khi tôi đưa sáng kiến này vào áp dụng ở lớp tôi thì tôi thấy vốn từ của trẻ phát triển hơn, trẻ nói được câu dài, mạnh dạn tự tin khi nói.
Trên đây là một vài kinh nghiệm nhỏ trong việc thực hiện đề tài “ Một số biện pháp phát triển vốn từ cho trẻ nhà trẻ độ tuổi 24-36 tháng”.
. Tôi chân thành mong muốn sự giúp đỡ đóng góp của các cấp lãnh đạo, các đồng nghiệp bổ xung thêm đầy đủ và phong phú hơn.
Xin chân thành cảm ơn !